Thái Lý Phật HẬU HỒNG THẮNG

https://hauhongthangthailyphat.com


Kỳ 4: Truyền nhân Vịnh Xuân quyền (Báo Thanh Niên)

Nói đến Vịnh Xuân quyền, những người yêu võ thuật ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn liền nghĩ ngay đến quyền sư Lục Viễn Khai và đồ đệ Lục Hào Kim, những truyền nhân đưa môn võ học này tồn tại và phát triển ở Việt Nam.
(Quyền sư Lục Hào Kim - Ảnh: N.T)

(Quyền sư Lục Hào Kim - Ảnh: N.T)

 

Vịnh Xuân quyền do danh sư Nguyễn Tế Công truyền bá tại Hà Nội. Đến năm 1954, di cư vào nam, ông tiếp tục dạy môn công phu này tại Chợ Lớn cho 3 đồ đệ Quang Sáng, Trương Cao Phong và Lục Viễn Khai tại nhà nhị đệ tử Trương Cao Phong (tiệm may Thượng Hải, đường Đồng Khánh, Q.5). Ngoài dạy võ, Nguyễn Tế Công còn chữa trật đả, gãy xương tại tiệm thuốc Lôi Công đường (cạnh rạp hát Lido, Q.5).

Sau 8 năm thụ đắc Vịnh Xuân quyền từ Nguyễn sư phụ, Lục Viễn Khai chỉ truyền dạy cho 3 đồ đệ là bằng hữu Lương Kiều Vũ, bào đệ Lục Hào Kim và nữ võ sĩ Lý Huỳnh Yến tại tiệm photo Thần Quang (Tản Đà, Q.5), bởi Lục Hào Kim là thợ “tút rửa” ảnh tại đây và tiệm này có khoảng sân để luyện tập. Trong suốt thời gian truyền bá Vịnh Xuân quyền, không may quyền sư Lục Viễn Khai bị bệnh và ông tạ thế năm 1981, hưởng thọ 60 tuổi. Những gì ông truyền đạt lại đã được 3 đồ đệ nỗ lực giữ gìn, chỉ tiếc là người con trai Nguyễn Trí Thành lại không theo nghề võ.

Lục Hào Kim (sinh năm 1934) tại huyện Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), vốn là vận động viên bơi lội, đến năm 22 tuổi mới theo sư huynh Lục Viễn Khai tập Vịnh Xuân quyền. Ông Lục Hào Kim cho biết: “Lấy nền tảng từ một môn võ có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, môn phái Vịnh Xuân quyền từ chỗ chỉ được truyền dạy âm thầm trong các gia tộc trở thành một trong những phái võ được nhiều người biết đến và say mê luyện tập nhất, với hàng triệu đệ tử và hàng chục hệ phái trên toàn thế giới”. Vịnh Xuân quyền chỉ duy nhất bài Tiểu Luyện Đầu. “Theo sư huynh tôi truyền lại thì môn phái không có Ngũ Hình quyền và nội công như ở Hà Nội, tại Hồng Kông, danh sư Diệp Vấn (sư phụ ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long - NV) gọi là Tiểu Niệm Đầu và chế tác thêm chiêu thức Trầm Kiều và Biêu Chỉ”, lão võ sư Lục Hào Kim tâm sự.

Bài danh quyền Tiểu Luyện Đầu gồm 36 chiêu thức như Vân trung hạc (hạc trong mây) là động tác khởi động, Hạc hình thư bộ (bộ pháp khoan thai), Đại Phật chuyển thân (luyện xoay eo lưng), Song xà xuất động (công kích địch thủ), Nhị tử kiềm dương mã (tấn pháp), Mai hoa bộ (thân, thủ, bộ pháp), Hạc hình (đánh chỏ, gối và 5 đầu ngón tay), Xà hình (hai tay dính liền với tay đối phương, luyện khớp dẻo dai), Tam tinh quyền (3 quả đấm thôi sơn liên hoàn) cùng 8 phương pháp gồm Thán (ém tay), Phục (đè tay), Bòn (lật vai), Trầm (ém tay), Xuyên (xỉa gạt từ dưới hất lên), Biếu (dùng Song chỉ thọc mắt), Lòn (lật mu bàn tay đánh lên), Tắc (dùng ức bàn tay đánh xuống).

Vịnh Xuân quyền không múa may hoa mỹ lại ít sử dụng đòn chân, chiêu thức tập trung ở mười đầu ngón tay, cạnh mu bàn tay và cùi chỏ, tấn công yếu huyệt địch thủ từ đỉnh đầu xuống thắt lưng như trán, mắt, cổ, họng, màng tang, yết hầu… Môn sinh phải luyện hai cánh tay linh hoạt, dẻo dai và uy lực qua phương pháp Tiêu đả (đối kháng, tiêu nghĩa là hóa giải, đả là tấn công), Niêm thủ (dính tay) kết hợp luyện đánh mộc nhân và bao cát mỗi ngày.

Năm 2014, quyền sư Lục Hào Kim bước sang tuổi 80 nhưng trông ông vẫn nhanh nhẹn, tráng kiện và minh mẫn. Mỗi ngày hai giờ ông lên tận tầng 3 luyện Tiểu Luyện Đầu, đánh mộc nhân và bao cát. Ngoài dạy kèm Vịnh Xuân quyền cho vài đồ đệ tại tư gia, quyền sư còn dành thời gian vẽ tranh thủy mặc (ông là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam).

Ngọc Thiện

http://thethao.thanhnien.com.vn/toan-canh-the-thao/ky-nhan-lang-vo-ky-4-truyen-nhan-vinh-xuan-quyen-44447.html

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây