Nguồn gốc
Thái Lý Phật (Thái Lý Phật Gia quyền) là tên một phái võ miền nam Trung Hoa trong hệ thống các bộ môn Nam Quyền. Đây là phái võ tích hợp từ ba phái Nam Quyền là Thái Gia Quyền, Lý Gia Quyền và Phật Gia Quyền trong Ngũ Đại Danh Gia Quyền Thuật Thiếu Lâm Nam Quyền Phúc Kiến là Hồng, Lưu, Lý, Mạc, Thái.
Môn này do Trần Hưởng – người Củng Bắc, Kinh Mai, Tân Hội, Quảng Đông sáng tạo ra vào cuối triều nhà Thanh. Xuất thân là con nhà nông, năm 12 tuổi ông đi theo chú ruột là Trần Viễn Hộ học Phật Gia Quyền; khi trưởng thành, năm 19 tuổi, ông lại theo Lý Hữu Sơn – sư tổ của Lý Gia Quyền, học Lý Gia Quyền. Sau này khi đi xa để tìm thầy học thêm, ông đã bái sư để làm môn đệ của Thái Phúc – sư tổ của Thái Gia Quyền, nguyên trước kia là một thiền tăng của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam đã hoàn tục và đang ở ẩn tại núi La Phù giáp ranh vùng Móng Cái biên giới Việt Nam mà nơi đây trước kia chính là nơi phát tích ra dòng Hồng Gia Quyền La Phù Sơn.
Năm 34 tuổi, Trần Hưởng trở về quê và mở trường dạy võ. Ông đã nghiên cứu chuyên tâm quyền pháp của ba nhà Thái Gia, Lý Gia, và Phật Gia rồi tích hợp những tinh hoa thành một danh phái mới được gọi là Thái Lý Phật quyền.
Về mặt kỹ pháp thì Thái Lý Phật tích hợp kỹ pháp của ba lưu phái Nam Quyền trên, nhưng đấu pháp thì sử dụng cước pháp (đòn chân) hơi nhiều từ Bắc Thiếu Lâm.
Môn quyền này, xét cho cùng, cũng có nguồn gốc từ Hồng Gia Quyền của Hồng Hy Quan, có những đặc trưng chung như Ngũ Đại Danh Gia Quyền Thuật (Hồng, Lưu, Lý, Mạc, Thái) là sử dụng Kiều pháp và Ngũ Hình quyền của Nam Thiếu Lâm (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc) nhưng lại thêm các kỹ pháp của Phật Gia Quyền và cước pháp của Bắc Thiếu Lâm pha trộn trong các bài quyền, thậm chí có rất nhiều động tác nhảy nhót và bay lượn (đá cao).
Nét quyền của môn võ này có phong cách đa dạng trông giống như Châu Gia Quyền sau này nhưng bay nhảy và dùng đòn chân nhiều hơn, đá cao hơn trong khi Châu Gia Quyền vẫn còn nét Nam Quyền với các thế tấn thấp.
Các thế tấn trong Thái Lý Phật quyền không đòi hỏi phải đứng thấp như các lưu phái Nam Quyền kể trên. Kỹ thuật chủ về tấn công nhiều hơn và cũng di chuyển nhanh và có lối đánh trường trận như các võ phái Bắc Thiếu Lâm.
Về dùng kình lực trong quyền thuật, Thái Lý Phật lại theo hẳn đường lối của Nam Quyền: co kình, súc kình, sử dụng tiếng thét lớn khi xuất thủ, khí thế dũng mãnh ào ạt, phong cách dữ dội có cương có nhu, tầm hoạt động của thế quyền rộng rãi, có đánh dài ngắn của các loại Nam Bắc quyền phối hợp.
Hệ thống các bài quyền cũng hoàn chỉnh và có tính hệ thống cao, bao gồm 39 bài chia ra ba cấp sơ, trung, cao. Sơ cấp có các bài: Tiểu Mai Hoa, Tiểu Thập Tự, Tứ Môn Kiều, Triệt Hổ Chưởng… Trung cấp có: Bình Quyền, Thập Tự Khấu Đả, Mai Hoa Bát Quái… Cao cấp có: Ngũ Hình quyền, Hổ Hình, Đạt Đình Bát Quái, Phật Quyền, Bạch Mô Quyền…
Bài binh khí của Thái Lý Phật Quyền cũng vô cùng đa dạng có khoảng 32 bài: Đơn Yêu Đao, Tiểu Mai Hoa Song Đao, Tả Hữu Thập Tam Thương, Song Hiệp Đơn Côn, Trừu Sát Bát Quái Côn, Thanh Long Kiếm, Kim Nhuyễn Tiên. Bên cạnh đó, một đặc trưng của Thái Lý Phật chính là giao đấu. Nói về mảng đối luyện thì môn quyền này có tới 22 bài cả quyền và binh khí.
Ngoài ra, Trang pháp (luyện bộ mã) có 18 bài: Mã Trang, Xứng Trang, Tam Tinh Trang, Xuyên Long Trang, Luyện Bộ Trang, Đại Mai Hoa Quyền Trang, Bát Quái Côn Trang.
Xưng bá võ đài
Chính sự đa dạng của các đòn thế, quyền pháp đã tạo nên một Thái Lý Phật Quyền biến ảo và vô cùng khó đoán. Khoảng những năm 70 thế kỷ trước, võ đài Tán Thủ Trung Quốc là đấu trường của võ sĩ Tán thủ và các môn phái khác. Các môn võ cổ truyền rụng như lá mùa thu khi bước lên võ đài. Riêng chỉ có Thái Lý Phật Quyền rở thành một ngoại lệ hiếm hoi giữa làng võ thuật cổ truyền Trung Hoa.
Thái Lý Phật ra đời khi nhà Thanh đang trong giai đoạn suy thoái, xã hội bấy giờ loạn lạc nên ngay từ đầu, Thái Lý Phật đã mang nặng tính chiến đấu. Khác với các môn võ “đàn anh” vẫn đang bảo thủ gìn giữ các lối kỹ thuật cũ, Thái Lý Phật tuy vẫn mang nền móng cổ truyền nhưng lại có hệ thống kỹ thuật hiện đại, loại bỏ phần nhiều yếu tố văn hóa, tâm linh, quyền pháp… mà tập trung vào kỹ thuật chiến đấu.
Thái Lý Phật được cho là sự kết hợp của võ thuật truyền thống và các kỹ thuật đá và tấn công vào các yếu điểm của đối phương. Tuy có phần lớn thời gian sinh sống tại nước ngoài, Lý Tiểu Long vẫn đặc biệt quan tâm nghiên cứu võ thuật cổ điển Trung Hoa. Không ai biết chắc việc ông có từng tập Thái Lý Phật hay không, tuy nhiên huyền thoại họ Lý từng công khai khen ngợi Thái Lý Phật. Ông nói: “Nếu có một môn võ Trung Quốc có thể đối đầu với người Thái mà không sợ thất bại, đó chính là Thái Lý Phật”.
Vào thời của Lý Tiểu Long, người Thái cùng Muay là một “thế lực” đáng sợ, thách thức toàn châu Á và thậm chí cả người phương Tây. Rất nhiều võ sĩ Trung Quốc thời bấy giờ đã thảm bại dưới tay người Thái trong khi Thái Lý Phật vẫn sàng chấp nhận mọi lời thách đấu.
Về mặt vật lý, Thái Lý Phật cổ điển đã có lối đánh luân chuyển trọng lượng cơ thể liên tục để tạo lực và sự dồn ép lớn nhất có thể (gần giống như cách Boxing sử dụng hai phần trái – phải cơ thể), rất giống với võ thuật đối kháng hiện đại.
Khác với các dòng võ Trung Hoa khác đi theo lối “kín cổng cao tường” và có phần bảo thủ trong việc giao lưu, Thái Lý Phật đặc biệt coi trong việc giao lưu. Ở Âu Mỹ, các võ đường Thái Lý Phật luôn sẵn lòng mở cửa chào đón bạn bè từ các bộ môn Kickboxing, Muay Thái, MMA… Đây là yếu tố quan trọng nhất làm nên sức mạnh của cộng đồng võ sinh Thái Lý Phật và cũng đúng với nguyên lý phát triển chung của võ thuật.
Sau này, nhờ tính thực chiến mà Thái Lý Phật trở nên nổi tiếng và chia thành nhiều dòng phái trên toàn thế giới, chinh phục cả những cộng đồng võ thuật hiện đại ở Âu – Mỹ. Riêng tại Việt Nam, Thái Lý Phật được truyền bá bởi các dòng phái như Hậu Hồng Thắng Thái Lý Phật, Bắc Thắng Thái Lý Phật…
Cũng từ tư duy mở cửa giao lưu đó mà phong cách Thái Lý Phật ở nước ngoài thay đổi rất linh hoạt. Ở châu Âu, do va chạm nhiều với Kickboxing nên hệ thống đòn tay của Thái Lý Phật ngắn gọn đơn giản nhưng tinh tế hơn, còn ở Mỹ các võ đường Thái Lý Phật rất coi trọng kỹ thuật vật – chống vật. Ngày nay, sự giao hòa kỹ thuật một cách cởi mở khiến cho đòn thế Thái Lý Phật rất giống với các môn võ hiện đại.
Tổng hợp
Tác giả: Tổng hợp
Nguồn tin: vothuat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn